Cách xử lý tình huống khi trẻ bị giành đồ chơi
Bất đồng và xích mích là một phần của cuộc sống hàng ngày. Một số cha mẹ biết cách giúp con giải quyết vấn đề này, trong khi những người khác thì không. Điều quan trọng là tìm hiểu về sự phát triển tâm lý của trẻ em và cách giúp chúng giải quyết những bất đồng và xích mích một cách lành mạnh.
Danh Mục
Những cách xử lý phổ biến của ba mẹ khi trẻ bị bạn giành đồ chơi
Hầu hết những “thủ phạm” giành đồ chơi của trẻ là họ hàng hay hàng xóm. Khi xảy ra tình huống trẻ bị bạn giành đồ chơi, nhiều phụ huynh vì sợ mất lòng ba mẹ của những đứa trẻ này mà bắt con phải chia sẻ và nhường đồ chơi cho bạn. Trẻ sẽ ấm ức và khóc khi bị ép buộc còn ba mẹ thì cảm thấy xấu hổ vì con mình không hào phóng với bạn bè.
Tuy nhiên nếu việc ép buộc trẻ diễn ra thường xuyên, trẻ sẽ cảm thấy không được tôn trọng, dẫn đến tâm lý bất an. Đặc biệt là với những đứa trẻ có tính cách rụt rè thì sự tổn thương sẽ càng lớn. Dần dần, trẻ sẽ không biết cách từ chối, thậm chí chịu đựng để làm hài lòng người khác mà không dám đấu tranh cho quyền lợi và lợi ích của bản thân mình.
Đứng về phía con và dạy con xử lý tình huống phù hợp
Một số ba mẹ có cách xử lý tình huống lý trí hơn khi con bị bạn giành đồ chơi. Họ không ép con phải nhường mà dạy con cách chia sẻ và cùng chơi với bạn.
Việc những đứa trẻ không muốn chia sẻ đồ chơi của mình với bạn là tâm lý hết sức bình thường. Điều này thể hiện sự phát triển nhận thức đúng đắn về quyền sở hữu cá nhân. Do đó ba mẹ không nên ép buộc con phải nhường mà dạy trẻ xử lý tình huống phù hợp cũng như hiểu ý nghĩa của việc chia sẻ.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần được tôn trọng quyền sở hữu. Khi trẻ tự nhận thức được và muốn chia sẻ, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng ý thức về lòng tự trọng, tự tin của trẻ sau này.
Những cách phản ứng khác nhau của trẻ khi bị bạn cướp đồ chơi
Có những trẻ khi bị bạn cướp đồ chơi chỉ biết khóc mà không biết làm gì. Những đứa trẻ này thường có tính cách yếu đuối và dễ ở trong tư thế thụ động và bị tổn thương khi lớn lên.
Có một số trẻ khi bị bạn cướp đồ chơi thì không khóc, cũng không đòi lại mà chuyển sang chơi cái khác. Những đứa trẻ này được xếp vào danh sách những trẻ có tính cách hào phóng khá lớn. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị bắt nạt và thường xuyên bị cướp đồ chơi. Trong tương lai, trẻ có thể quá dễ dãi và liên tục chịu thiệt thòi khi tiếp xúc với người khác.
Ngoài hai cách phản ứng kể trên, cũng có những trẻ có phản ứng khá mạnh mẽ khi bị bạn giành đồ chơi. Chúng có thể khóc hoặc không khóc nhưng đều trực tiếp chiến đấu giành lại đồ chơi về. Những đứa trẻ này thường có tính cách dũng cảm, dám bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Với những đứa trẻ như vậy, ba mẹ hãy giúp trẻ hiểu chúng hành động không có gì sai nhưng cũng không nên dùng vũ lực để giải quyết vấn đề vì có thể gây ra những tổn thương cho cả bạn và mình.
Dạy trẻ cách xử lý tình huống khi bị giành đồ chơi
Dạy trẻ từ chối một cách mạnh mẽ, kiên quyết
Trẻ em thường có xu hướng lấn tới nếu thấy đối phương yếu thế hơn mình. Nhưng khi gặp đối phương mạnh mẽ, quyết liệt hơn thì chúng sẽ chùn lại sợ sệt. Vì vậy khi gặp tình huống bị bạn giành đồ chơi, ba mẹ có thể dạy trẻ xử lý tình huống bằng những câu nói ngắn gọn, dứt khoát như: Bạn không được lấy, nó là của tôi; Tôi không đồng ý, hãy trả lại cho tôi; Tôi đang chơi; Bạn phải mượn tôi chứ, không được tự ý lấy.
Đồng thời, ba mẹ có thể dạy trẻ sử dụng các động tác của cơ thể để thể hiện sự quyết liệt như chống tay, cầm chắc lấy đồ chơi, thái độ giận dữ, nghiêm túc.
Dạy trẻ cách xử lý với các tình huống giả định
Ba mẹ có thể tạo ra một vài tình huống giả định để tập trẻ làm quen. Khi trẻ đã quen với việc xử lý tình huống thì trẻ sẽ dễ dàng ngăn chặn việc này.
Ba mẹ cùng trẻ chơi trò “cướp đồ chơi”, hãy nói với trẻ “Khi mẹ hoặc ai đó lấy đồ chơi của con, con nói thật to “Đây là đồ chơi của tôi, bạn không được lấy”… Bên cạnh đó, ba mẹ dạy trẻ cách bảo vệ đồ chơi của mình như cầm đồ chơi ra phía sau lưng, đưa lên đỉnh đầu để đối phương không lấy được ngay lập tức.
Trong trường hợp đối phương cao và khỏe hơn, trẻ không có khả năng ngăn chặn thì hãy nói một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Nếu đối phương có thái độ hung hăng, lao vào giành, hãy bỏ đi để tránh bản thân không bị tổn thương.
Động viên, khuyến khích con tự bảo vệ và lấy lại đồ chơi của mình
Khi trẻ khóc và cảm thấy buồn vì bị lấy đồ chơi, ba mẹ nên xoa dịu cảm xúc của con. Ba mẹ không nên đổ lỗi, trách mắng con là kẻ nhút nhát, yếu đuối, thiếu tự tin. Thay vào đó hãy động viên và khuyến khích trẻ tự bảo vệ và lấy lại đồ chơi của mình. Nếu trẻ không biết làm cách nào để lấy lại đồ chơi, ba mẹ hãy dẫn trẻ đến đối diện với bạn kia, yêu cầu trả lại đồ chơi hoặc đề nghị hai bên chơi cùng…
Tất nhiên, ba mẹ không thể luôn thay mặt con giải quyết vấn đề mà trẻ gặp phải mà cần để trẻ tự học và đối mặt với nó. Chỉ có như vậy, trẻ mới có thể trưởng thành và tự bảo vệ quyền sở hữu của mình tốt hơn.